Xe bị cháy như trường hợp xe Mazda3 ở Hà Tĩnh đều có thể phục hồi được nhưng sẽ phức tạp hơn so với việc phục hồi xe đâm đụng. Vấn đề chính là chi phí phục hồi thường tốn kém khiến nhiều người đành “bỏ xe”.
Từ đầu hè đến nay, nhiều vụ cháy xe đến trơ khung đã liên tiếp xảy ra. Mới đây nhất là vụ cháy chiếc Mazda3 tại Hà Tĩnh khi nhân viên kỹ thuật của đại lý Mazda Hà Tĩnh chạy thử vào chiều ngày 21/6.
Sau khi những hình ảnh cháy xe được đăng tải, nhiều người không khỏi tiếc nuối cho các chủ xe “số nhọ” khi ô tô vốn là tài sản có giá trị. Ngoại trừ những vụ cháy dữ đội đến mức toàn bộ xe chỉ còn là đống sắt xám xịt, có những chiếc xe chỉ cháy phần đầu nhưng hư hỏng cũng rất nặng. Nhiều người dùng đặt câu hỏi về khả năng liệu những chiếc xe bị cháy như vậy đến có thể phục hồi được không?
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Nguyễn Thành Tâm, chủ một gara ô tô ở Long Biên, (Hà Nội) chia sẻ: “Đã là xe tai nạn do đâm đụng hay bị cháy đều có thể phục hồi được hoàn toàn về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc phục hồi xe bị cháy còn phụ thuộc vào hiện trạng xe. Nếu xe bị cháy hư hỏng nặng sẽ kéo theo chi phí sửa chữa, thay thế rất lớn.”
Một trong những lý do khiến phục hồi xe bị cháy thường phức tạp hơn so với phục hồi xe tai nạn đâm đụng là bởi trong quá trình cháy, nhiệt độ cao sẽ làm mềm và yếu đi kết cấu của vật liệu, kể cả thép. Vì thế, chất lượng xe sẽ chỉ đạt được tối đa khoảng 85-90% so với xe nguyên bản.
“Khi đó, chủ xe cần tính toán, cân nhắc giữa việc sửa để dùng hoặc bán lại cho những đơn vị chuyên thu mua xe tai nạn”, vị kỹ sư này nói thêm.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, kỹ sư ô tô Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Auto i-Tech (Tây Hồ, Hà Nội) nhận định, các vụ cháy xe phần lớn xảy ra ở khu vực đầu xe, khoang máy, nơi đặt động cơ, hộp số và rất nhiều các bộ phận quan trọng của xe.
“Cháy ở đầu xe thường lan tới cả khu vực nội thất, bao gồm khu vực táp-lô, nơi chứa nhiều hộp điều khiển. Vì vậy, chi phí để phục hồi sẽ chiếm tới 80% giá trị của chiếc xe”, kỹ sư Thắng cho hay.
Kỹ sư Thắng cũng cho biết trường hợp cháy cả xe, chỉ còn trơ khung, hầu hết các chủ xe sẽ quyết định không phục hồi. Nguyên nhân là vì chi phí sửa rất tốn kém trong khi sửa xong, chiếc xe cũng bị mất giá lớn, khó bán. Vì vậy, đa phần các chủ xe trong trường hợp này sẽ bán luôn cho thợ để họ tự mang về xử lý.
Nếu may mắn, xe đã mua bảo hiểm và cháy xe do lỗi kỹ thuật, chủ xe sẽ được đơn vị bảo hiểm đền cho một chiếc xe mới, tương đương với giá trị mua bảo hiểm xe ở thời điểm hiện tại.
Dưới góc độ của một người dùng xe có kinh nghiệm, anh Trần Duy Nhất (Đông Anh, Hà Nội) chỉ ra tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm cho ô tô. Trên thực tế, có khi mua bảo hiểm mà cả năm không dùng đến. Nhưng nếu không may, “bà hỏa” ghé thăm, mua bảo hiểm cho xe sẽ có thể giúp cho chủ xe tiết kiệm chi phí sửa chữa xe lên tới cả trăm triệu đồng.
“Còn nếu không mua bảo hiểm xe mà bị cháy, tốt nhất chấp nhận chịu thiệt mà bán xe vì sửa lại cũng không đảm bảo tốt và bền như lúc trước, khéo lại tiền mất tật mang, đem bực vào mình. Những bộ phận nào của xe không bị ảnh hưởng bởi cháy, còn sử dụng tốt thì nên tháo ra, bán được thứ nào hay thứ đó”, anh Nhất đưa ra giải pháp.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải.