Được đầu tư gần 20 tỷ đồng nhưng không thu hút được học sinh, trường Trung cấp Kỹ thuật và Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh ở thị trấn Xuân An, Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) bỏ hoang hơn 10 năm, thành nơi “nghỉ mát” của bò của người dân địa phương.
Năm 2000, Trường Trung cấp Kỹ thuật và Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh được đầu tư 15 tỷ đồng, nâng cấp, xây dựng trên diện tích 4,6 ha tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Năm 2012, Trường tiếp tục đầu tư thêm 4 tỷ đồng để xây dựng thêm dãy nhà thư viện 3 tầng. Theo kế hoạch Trường Trung cấp Kỹ thuật và Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ đào tạo các ngành nghề như: chăn nuôi thú y, trồng trọt, địa chính…
Năm 2013, vì không thu hút được người học nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định sáp nhập ngôi trường này vào Trường Đại học Hà Tĩnh thành một cơ sở đào ngành nông nghiệp.
Sau đó Đại học Hà Tĩnh khánh thành cơ sở mới tại xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ngành nông nghiệp cũng được chuyển về đây đào tạo. Từ đó đến nay, ngôi trường được đầu tư gần 20 tỷ này bị bỏ hoang, trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân.
Hơn 10 năm qua trường bị bỏ hoang, không sử dụng dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng nhiều hạng mục.
Phía dưới những dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng đó, hàng chục công nhân đang tận dụng để sinh hoạt, nghỉ ngơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ông Hồ Văn B. (trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết: “Chúng tôi được thuê đến đây làm công trình liên quan đến đường điện. Chủ đầu tư xin cho các công nhân được ở trong ngôi trường để giảm chi phí sinh hoạt. Tôi phải trả tiền điện, nước còn lại không mất tiền ở. Biết trường đã xuống cấp, mất an toàn nhưng cố gắng giảm chi phí được từng nào hay từng đó”.
Nhiều năm không sử dụng cỏ dại, dây leo giăng kín lối đi hành lang.
Đàn bò “dạo chơi, nghỉ mát” trong khuôn viên trường 20 tỷ đồng.
Lối lên tầng 2 của các dãy nhà bị khóa bởi dây thép.
Trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo UBND thị trấn Xuân An, cho biết: “Năm 2020, có một đơn vị ở Hà Nội đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện dự án và được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, từ đó đến nay doanh nghiệp đó vẫn không có động tĩnh gì, đất vẫn bị bỏ hoang. Nếu không thực hiện dự án, UBND huyện Nghi Xuân sẽ đề xuất xin điều chỉnh quy hoạch để nhà đầu tư khác thực hiện dự án mới.