SKĐS – Quảng Ninh và Hà Giang là hai địa phương có lượng mưa lớn trong những giờ qua, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại một số điểm trong đó có các điểm du lịch như TP Hạ Long, Vân Đồn…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua (3/7) đến sáng nay (4/7), ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 3/7 đến 8h ngày 4/7 cục bộ có nơi trên 80mm như: Cẩm Nhân (Yên Bái) 133.2mm, Cao Bồ (Hà Giang) 110.6mm, Yên Lâm (Tuyên Quang) 82.4mm, Mỹ Lâm (Lâm Đồng) 130mm, Bù Đốp (Bình Phước) 135.4mm,…
Dự báo: chiều và đêm 4/7, ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc; khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Cơ quan khí tượng cho biết, trong 6 giờ qua (từ 2 giờ đến 8 giờ ngày 4/7), khu vực các tỉnh Hà Giang và Quảng Ninh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Thượng Sơn 81mm, Cao Bồ 72.6mm (Hà Giang); Phình Hồ 46.6mm (Quảng Ninh);… Những giờ tới, khu vực các tỉnh Hà Giang và Quảng Ninh tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện:
Hà Giang: Bắc Mê, Bắc Quang, Hà Giang, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn.
Quảng Ninh: TP. Móng Cái , Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Tiên Yên, TP. Hạ Long.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.