Ôn thi song song với IELTS, Nguyễn Phương Linh, 17 tuổi, đạt 1.600/1.600 SAT ngay lần thi đầu tiên, hồi đầu tháng 6.
Hơn một tuần kể từ khi biết điểm, nữ sinh lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, vẫn lâng lâng cảm xúc vui sướng.
“Lúc nhận điểm, em kiểm tra liên tục xem có đăng nhập đúng tài khoản không, hay liệu có nhầm với điểm khi luyện tập không”, Linh nhớ lại. “Ban đầu, em chỉ đặt mục tiêu hơn 1.500 điểm”.
SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy logic, được nhiều đại học ở Mỹ nói riêng và trên thế giới dùng như một tiêu chí tuyển sinh.
College Board, đơn vị sở hữu bài thi, cho biết năm ngoái chỉ 7% thí sinh toàn thế giới đạt từ 1.400/1.600 điểm trở lên. Từ 1.480, thí sinh được xếp vào nhóm 1% điểm cao nhất.
Phương Linh cho hay bắt đầu ôn thi SAT từ đầu năm lớp 11, học online với thầy cô tại Hà Nội, song song với ôn thi chứng chỉ IELTS. Những ngày đầu, Linh chủ yếu làm quen các dạng đề của kỳ thi. Từ năm ngoái, bài thi SAT chỉ được tổ chức trên máy tính, kéo dài 134 phút, gồm hai phần: Đọc-Viết và Toán học. Mỗi nội dung thi được chia thành hai mô-đun có độ dài bằng nhau. Tổng số câu hỏi của bài thi là 98, trong đó 54 câu ở phần Đọc-Viết, 44 câu phần Toán.
Thời gian đầu, nữ sinh dành khoảng một tiếng cho SAT mỗi ngày. Với phần Toán, Linh chủ yếu ôn tập trong bộ 900 câu hỏi Toán SAT do College Board biên soạn.
“Em tập trung làm các dạng bài về đường tròn vì đây là phần em chưa nắm vững”, Linh nói.
Ở phần Đọc – Viết, Linh nhận định khả năng tư duy ngôn ngữ là yếu tố quyết định điểm số. Do đó, em dành nhiều thời gian đọc báo nước ngoài về thời sự, xã hội, khoa học, kinh tế… Nữ sinh đặc biệt thích đọc The New York Times để học cách hành văn. Bên cạnh đó, em ôn tập theo các tài liệu được phát khi học online.
“Việc học cũng khá suôn sẻ nhờ ôn song song bài đọc và tư duy viết học thuật của IELTS. Đây như một mũi tên trúng hai đích”, Phương Linh nhìn nhận.
Đạt 8.5 IELTS hồi tháng 4, Linh dồn toàn lực chuẩn bị cho kỳ thi SAT. Mỗi ngày, em dành 4-5 tiếng để giải và chữa đề, có những hôm thức đến một giờ sáng.
Chiến thuật của Linh khi đi thi là làm đến đâu, chắc đến đó, kiểm tra lại các câu hỏi ngay khi làm xong.
“Đề Toán không có các câu hỏi đánh đố, trải dài cả kiến thức đại số, phân tích dữ liệu, hình học, lượng giác, ngang trình độ lớp 11 của chương trình học Việt Nam”, Linh đánh giá. Nữ sinh có chút bối rối với các câu hỏi về xác suất và tỷ lệ vì đề bài đưa dữ kiện “đánh lừa”, rất dễ sai sót.
“Có câu hỏi đưa con số 0,78%, nghĩa là giá trị thực chất để tính toán là 0,0078, nhưng nhiều thí sinh dùng luôn 0,78”, Linh ví dụ.
Ở phần Đọc – Viết, các câu hỏi cũng ở nhiều chủ đề, như lịch sử, tâm lý học, kinh tế, khoa học và văn học, yêu cầu tìm ý chính, tìm lỗi liên kết giữa các câu. Trong đó, Linh gặp khó ở các câu hỏi khoa học và lịch sử, thường mất nhiều thời gian suy nghĩ và loại trừ các phương án sai.
Từ kinh nghiệm của mình, Phương Linh cho rằng để làm bài tốt, thí sinh nên tập làm quen thao tác thi trên máy trước ở nhà, bằng cách giải các bài tập trên website của SAT.
“Việc này cũng giúp phân tích kỹ các lỗi sai, giúp em hiểu rõ và tránh mắc phải trong các câu hỏi sau”, Linh nói.
Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Anh, nhận xét nữ sinh tiếp thu kiến thức nhanh và có độ “nhạy” đặc biệt với môn Ngoại ngữ.
“Thế mạnh của Linh là khả năng thuyết trình trước đám đông và hùng biện bằng tiếng Anh”, cô nói. Ngoài ra, Linh hòa đồng, năng nổ, có ý thức tự giác cao. Em luôn chủ động tìm hiểu, mày mò, làm thêm bài tập để có vốn kiến thức sâu rộng.
Linh cũng có năng khiếu về âm nhạc. Năm 2018, em từng giành ngôi Á quân trong chương trình “Tuyệt đỉnh song ca nhí”. Linh cũng tham gia một lớp piano để thư giãn sau giờ học.
“Em đang chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, ngành Kinh tế hoặc Giáo dục”, Linh cho hay.