Ca bệnh này là B.H.G. (29 tuổi), tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. G. là một trong 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B. và là một trong 8 trường hợp có kết quả âm tính trong lần xét nghiệm đầu tiên. Trong lần xét nghiệm thứ 2, G. cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu.
Trước đó, ngày 7/7, CDC Bắc Giang thông báo M.T.B. (19 tuổi, nữ nhân viên quán karaoke) xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là một trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Kỳ Sơn, Nghệ An.
Từ ngày 25 đến 28/6, B. cùng một cô gái khác về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), làm việc tại một quán karaoke ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh.
Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định có 16 trường hợp tiếp xúc gần. Những trường hợp này đã được cách ly, theo dõi sức khỏe, đồng thời được điều trị bằng kháng sinh dự phòng trong vòng 7 ngày. Các nhân viên y tế sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh xác định.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.
Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
Tỷ lệ tử vong cao nếu người bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời do bệnh có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao.
Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.
Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu quan trọng và hiệu quả nhất. Trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng. Trong giai đoạn 0-2 tuổi, trẻ được tiêm 4 mũi vaccine, thường kết hợp trong vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1.
Sau đó, 4-6 tuổi, trẻ tiêm 1 mũi nhắc tiền học đường, 9-17 tuổi tiêm 1 mũi nhắc tuổi thanh thiếu niên.