Bỏ đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông giúp lái xe tuân thủ hơn khi qua giao lộ, mô hình này cũng đang được hầu hết quốc gia áp dụng, theo các chuyên gia.
TP Hồ Chí Minh đang thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu giao thông ở một số giao lộ lớn như Mai Chí Thọ – Tố Hữu, Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8… Đây là những nút giao đã được lắp camera và hệ thống đèn tín hiệu kết nối về Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố, có thể điều khiển từ xa thay vì mỗi lần thay đổi phải cài đặt tại các chốt.
Nêu ý kiến về phương án trên, tiến sĩ Phan Lê Bình, Phó đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản (cung cấp dịch vụ tư vấn về giao thông, đô thị, môi trường) cho biết đèn giao thông không đếm ngược thời gian đang được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng vì khi có thêm bộ đếm không mang lại nhiều hiệu quả.
Thống kê của Đại học bang Oregan (Mỹ) cho thấy đèn giao thông đếm ngược được sử dụng trong tổ chức giao thông tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới như: Nga, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Việt Nam… Đa số các nước đều sử dụng đèn giao thông không đếm ngược đối với xe và áp dụng đếm ngược cho đèn qua đường dành cho người đi bộ ở những khu vực có mật độ giao thông cao.
Theo ông Bình, trái với tác dụng của đèn giao thông đếm ngược giúp tài xế chủ động thời gian, tốc độ, tính năng này lại bị lạm dụng khi nhiều người cố vượt đèn đỏ hay tăng tốc vượt đèn vàng. Thậm chí, khi đèn đỏ còn 3-5 giây, nhiều người phía sau đã bóp còi thúc giục phía trước di chuyển. “Tại Nhật hệ thống đèn tín hiệu đều không sử dụng bộ đếm. Người tham gia giao thông chỉ cần chờ đèn chuyển màu và chấp hành, tránh tâm lý nhấp nhổm đếm số chờ đợi”, ông Bình nói.
Cũng theo tiến sĩ Bình, tại Việt Nam, luật hiện hành quy định khi có tín hiệu đèn vàng xe phải dừng lại trước vạch. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã qua vạch mà tín hiệu đèn vàng thì xe được chạy tiếp. Do đó, dù đèn không đếm giây, tài xế vẫn không bị đột ngột, phanh gấp khi tín hiệu chuyển vàng vì nguyên tắc khi đến nút giao lái xe phải giảm tốc độ, quan sát xung quanh để chủ động kiểm soát tình huống.
“TP Hồ Chí Minh thử nghiệm trước mô hình bỏ đếm giây trên đèn tín hiệu ở một số giao lộ sẽ giúp theo dõi hành vi, tạo thói quen cho người đi đường, từ đó tính toán phương án tổ chức giao thông là phù hợp”, ông Bình nói, cho rằng vấn đề quan trọng nhất để bảo đảm an toàn vẫn phụ thuộc vào thái độ, sự tuân thủ của lái xe trong việc chấp hành đèn tín hiệu.
Đồng tình, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh cho rằng nên nghiên cứu bỏ đếm giây trên đèn tín hiệu nhằm thay đổi hành vi của người đi đường. Giai đoạn chuyển tiếp giữa đèn xanh và đỏ là đèn vàng, chu kỳ đèn ở mỗi nút giao cũng được thiết lập tùy theo tình hình giao thông thực tế, giúp luồng xe này kịp thoát qua giao lộ trước khi luồng xe hướng khác xuất phát, hạn chế xung đột.
Trước lo ngại không có bộ đếm, tài xế khó chủ động, phanh gấp khi đèn chuyển xanh sang vàng dễ bị xe phía sau tông, ông Mai cho rằng luật giao thông đã quy định đến giao lộ xe phải giảm vận tốc dù có đèn tín hiệu hay không. Nhưng thực tế nhiều người lại chạy nhanh qua nút giao, nhất là khi đèn còn vài giây. Do đó, nếu không biết thời gian sẽ hình thành thói quen giảm tốc độ khi qua ngã ba, ngã tư.
Về phía cảnh sát giao thông, đại diện Đội cảnh sát giao thông Cát Lái (Phòng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng tình trạng tăng tốc độ khi đèn xanh còn vài giây, hoặc bước qua đèn vàng rất phổ biến. Trong khi ở hướng đường vuông góc, người lái xe cũng thường bắt đầu chạy vào giao lộ khi đèn đỏ vẫn còn vài giây. “Việc này dễ gây va chạm hoặc xung đột giữa các làn xe, gây ùn tắc giao thông. Do đó, nếu tín hiệu đèn không đếm ngược, tài xế không còn thói quen tăng tốc vượt khi đèn còn vài giây cuối”, ông nói.
Theo đại diện đội này, người dân khi gần đến giao lộ nên chạy chậm ở tốc độ dưới 20 km/h, giữ được khoảng cách an toàn mà không bị xe phía sau tông tới. “Đoạn trước và trong giao lộ chỉ dài vài chục mét, do vậy các tài xế cần ý thức chạy chậm, sau đó tăng tốc bình thường mà không mất nhiều thời gian”, đại diện Đội cảnh sát giao thông Cát Lái nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Dương Như Hùng, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho biết nhiều thành phố ở các nước phát triển đã không sử dụng đèn giao thông đếm ngược. Nhưng đặc thù giao thông ở mỗi nơi khác nhau, nên việc TP Hồ Chí Minh thí điểm là cần thiết nhằm có dữ liệu khoa học để so sánh và đánh giá. Tuy nhiên, việc thí điểm nên triển khai ở nhiều giao lộ có tình hình giao thông khác nhau. Từ đó mới có kết quả toàn diện để áp dụng phù hợp cho từng khu vực vì bộ đếm giây cũng rất cần thiết ở nhiều nơi.
Ngoài ra, theo ông Hùng, việc bố trí đèn có đếm ngược hay không cần tính đến từng loại nút giao, các hướng giao cắt. Chẳng hạn, giao lộ mật độ giao thông ít, đèn không đếm giây có thể hạn chế rủi ro tai nạn như xe chạy nhanh, vượt đèn. Ngược lại, với nút giao phức tạp, nhiều hướng rẽ, đèn có tính năng đếm số sẽ cần thiết để tài xế chủ động điều chỉnh vận tốc và chuyển làn từ xa. Thực tế, ngoài các nút giao đang thí điểm, nhiều nơi khác ở thành phố vẫn có đèn không đếm số và tình hình giao thông ổn định.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết việc thí điểm bỏ đếm giây trên đèn tín hiệu ở 4 giao lộ là một trong các giải pháp hỗ trợ, linh hoạt tổ chức giao thông theo thực tế. Mô hình này cũng nhằm theo dõi hành vi, dần tạo thói quen để người đi đường chấp hành đèn tín hiệu.
Theo ông Tấn, việc thí điểm giúp ghi nhận hình ảnh, hành vi người đi đường thông qua hệ thống camera ở các giao lộ. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường xử lý và có phương án tổ chức giao thông phù hợp cho từng khu vực. Hệ thống tín hiệu không đếm lùi cũng áp dụng chu kỳ đèn ngắn để người dân chấp nhận dừng chờ, bởi nếu quá lâu dễ gây ra tình trạng cố vượt, hoặc gây kẹt xe ở các hướng. Đơn vị sẽ tính toán theo tình hình giao thông thực tế ở từng khu vực, rồi mới xem xét có nhân rộng mô hình này hay không.
VN (theo VnExpress)