Dù không hôn thú song mảnh đời của cụ ông 84 tuổi và người phụ nữ trẻ ghép lại rất hoàn hảo, tạo lên bức tranh đầy ngãi tình phu thê.
CụThiệt (84 tuổi) và cô Loan (57 tuổi) chênh lệch 27 tuổi – khoảng cách thế hệ khá lớn nhưng suốt một thập kỷ qua luôn ở bên nhau, làm chỗ nương tựa về già. Họ sống trong căn nhà vỏn vẹn chục mét vuông ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM), luôn được hàng xóm ngưỡng mộ.
Cô Loan cho biết trên kênh YouTube T.S, gần 20 năm trước, cụ Thiệt sinh sống bằng nghề chạy xe ôm ở đất Thủ Đức, còn cô làm công nhân ở gần đó. Cả hai tình cờ quen nhau, trở thành bạn bè tri kỷ tâm sự chuyện đời, sẻ chia vui buồn cuộc sống.
“Một thời gian sau, ông ấy chủ động rủ tôi về sống chung. Tôi không dám vì ông còn 3 đứa con nữa, thậm chí con cả còn lớn tuổi hơn tôi.
Ông thuyết phục rằng các con đã lập gia đình, sống dưới Cà Mau, thi thoảng mới thăm nom. Tôi thương ông đã có tuổi lại côi cút một mình nên đồng ý về làm vợ của ông”, cô Loan nhớ lại.
Cụ Thiệt và cô Loan
Vợ vừa dứt lời, cụ Thiệt cho biết ngày trẻ cô Loan xinh đẹp, dù đã có một đời chồng nhưng nhiều người tán tỉnh. Cụ cũng bị vẻ đẹp ấy thu hút nên say mê trò chuyện.
Cả hai càng nói chuyện càng thấy hợp nhau. Cụ đã mạnh dạn ngỏ lời rủ cô Loan về sống chung. Đến nay họ đã ở bên nhau mười mấy năm.
Dù không hôn thú song hai mảnh đời này ghép lại rất hoàn hảo, tạo lên bức tranh đầy ngãi tình phu thê. Họ đã cùng nhau làm việc, vun đắp tổ ấm nhỏ để xóm giềng phải thấy ngưỡng mộ về cách sống, cách quan tâm chăm sóc.
Đầu năm 2023, cụ Thiệt không may bị tai biến, nằm một chỗ không thể đi lại được. Lúc này nhiều người hoài nghi cô Loan sẽ bỏ mặc cụ một mình hoặc “trả lại ” cho 3 người con phụng dưỡng. Vậy mà cô vẫn một mực ở bên chăm sóc, giúp người chồng lớn tuổi có cơ hội phục hồi sức khỏe. Điều này càng khiến hàng xóm nể phục và ngưỡng mộ tình yêu của cả hai.
“Ông ấy đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tai biến nặng liệt nửa người: một tay một chân không cử động được, phải ngồi xe lăn. Họ nói phải có sự can thiệp của vật lý trị liệu mới tiến triển rõ. Song vợ chồng tôi làm gì có tiền tiết kiệm, ăn còn chạy từng bữa… Vì thế tôi đành đưa ông ấy về nhà, tự luyện tập theo bài tập của bác sĩ hướng dẫn”, cô Loan kể.
Khi cụ Thiệt ngã bệnh, cô Loan là người chăm sóc
Cô Loan cho biết thêm, các con của cụ Thiệt ở dưới Cà Mau, có gia đình riêng và cuộc sống không mấy dư giả nên chẳng đỡ đần được nhiều. Thi thoảng họ có biếu tiền, con cô cũng biếu. Cô gom góp lại thành khoản to to dành mua thuốc cho chồng. Còn lại mọi thứ cô phải tự lo liệu hoặc vay chỗ này đập chỗ kia.
“Tôi già cả, có chút đãng trí và lãng tai nhưng vẫn minh mẫn hơn nhiều người cùng độ tuổi. Đặc biệt sức khỏe của tôi hiện tốt hơn trước khá nhiều. Ví dụ xưa tôi đau ốm 100% thì giờ chỉ còn 40%. Tất cả nhờ công chăm sóc của cô ấy . Tôi trân trọng và biết ơn lắm, thử hỏi ở cái tuổi “gần đất xa trời này” mấy ai kiếm được bạn đời như tri kỷ như vậy”, cụ Thiệt bộc bạch.
Khi được hỏi có đi làm hay không, cô Loan cho biết do kinh tế suy thoái, các nhà hàng trong thành phố đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự khá nhiều. Vì thế cô không được thuê mướn nhiều như xưa nên kinh tế có chút eo hẹp.
Ngày đi làm, cô Loan thường dành nguyên buổi sáng để vệ sinh cá nhân cho chồng, sau đó chuẩn bị cơm và thức ăn. Chiều cô bắt đầu đến các nhà hàng dọn dẹp vệ sinh cho đến tối muộn mới quay trở về nhà. Hôm nào ít việc, cô sẽ tranh thủ chạy về ngó xem chồng đã ăn hết tô cơm hay chưa rồi nghỉ ngơi vài phút lại đi làm.
Khai Tâm