Nhiều người đã bật thốt lên ‘Hà Nội làm thật rồi!’ khi hệ thống giao thông thông minh của TP dần hiện rõ hình hài. Chưa khi nào Hà Nội hành động nhanh và quyết liệt như thời điểm này, đặc biệt là trong chuyển đổi số giao thông.
Liên tiếp trong tháng 4 và 5 vừa qua, Hà Nội đã đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé ảo trên xe buýt, dịch vụ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt.
Trước đó dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe đã trực tuyến toàn trình, người dân không cần đến xếp hàng chờ đợi. TP cũng vừa phê duyệt kế hoạch thí điểm hệ thống quản lý, giám sát giao thông thông minh (GTTM), dự kiến cuối tháng 6/2024 sẽ bắt đầu vận hành.
Hệ thống giao thông vận tải của TP Hà Nội đang từng bước được số hóa, chuyển đổi sang dịch vụ “online”. Giờ đây người dân chỉ cần một thiết bị thông minh để sử dụng nhiều loại hình dịch vụ, chấm dứt những bức xúc, ngờ vực tồn tại bấy lâu nay.
Ví dụ như thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt đã giúp người dân thấy thoải mái, hài lòng với sự minh bạch. Những băn khoăn, thắc mắc về việc tư túi, trốn thuế của DN trông giữ xe cũng dần tan biến; cơ quan quản lý Nhà nước có thêm một công cụ quản lý hữu hiệu.
Hay như thẻ vé xe buýt ảo đã cho thấy sự tiện lợi, giảm thiểu những phiền toái do không có tiền lẻ, quên gia hạn vé tháng… cho hành khách. Doanh thu của xe buýt bao nhiêu, lượng khách nhiều hay ít đã được thống kê đầy đủ bằng phương tiện kỹ thuật có độ chính xác cao.
Đó là những tiện ích mà người dân Hà Nội đã mong chờ từ lâu. Không ít người cách đây vài tháng vẫn cho rằng TP còn phải nghiên cứu, chuẩn bị lâu nữa, chuyển đổi số trong giao thông chẳng thể một sớm một chiều… Nhưng thực tế đã cho thấy, Hà Nội đang rốt ráo triển khai hệ thống GTTM trên diện rộng, có tới đâu làm tới đó, mang lại hiệu quả ngay để phục vụ Nhân dân.
Để làm được như vậy quả không dễ. Mỗi loại hình dịch vụ đều là một mảnh ghép hình thành nên hệ thống GTTM trong tương lai. Việc đưa vào ứng dụng công nghệ từng phần vừa đòi hỏi phải vận hành trơn tru ngay từ đầu, vừa phải tính toán để thuận tiện khớp nối toàn hệ thống về sau.
Nhưng Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cao độ, đặt mục tiêu phục vụ người dân lên hàng đầu, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi bất cập để từng bước hình thành mạng lưới số trong lĩnh vực giao thông.
Tinh thần quyết liệt đó đã nhận được sự ủng hộ sâu rộng trong Nhân dân Thủ đô. Chuyển đổi số trong giao thông được khẳng định là hướng đi đúng đắn, giảm tải cho cả hệ thống, hạn chế tối đa những bất cập, phiền hà cho người dân. Quan trọng hơn nữa là niềm tin vào một chính quyền hành động ngày càng được củng cố vững chắc.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Với Hà Nội, mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được nếu tiếp tục giữ vững và lan tỏa tinh thần quyết tâm làm thật, làm nhanh, làm rốt ráo mà ngành GTVT đã thể hiện trong thời gian qua.
Đặng Sơn