Liên quan đến vụ việc tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định) nhiều lần đưa đơn đến các cấp để “đòi quyền lợi” mà Báo Lao Động phản ánh, tại buổi họp báo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – đã có câu trả lời về kết quả giải quyết vụ việc trên.
“Trước đây, các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc Phòng GDĐT quản lý. Sau khi chuyển giao cho UBND huyện thì công tác tổ chức có sự thay đổi, nên huyện miền núi Vân Canh không kịp chuyển đổi, khiến cho việc phối hợp giải quyết Phòng Tài chính – Kế hoạch và các đơn vị trường chưa nhịp nhàng, từ khâu quyết toán kinh phí cho đến chi trả chế độ chính sách, chứ không phải thiếu ngân sách chi trả.
Về việc chậm lương, tỉnh đã chỉ đạo và chi trả ngay cho các giáo viên. Còn về việc chi trả chế độ dạy thêm giờ thì huyện Vân Canh là địa phương chưa đảm bảo công tác thanh toán chế độ chính sách. Tôi đã giao cho Sở Tài chính và Sở GDĐT hướng dẫn cụ thể về việc xác định số tiền phải thanh toán cho các giáo viên, sau khi xác định xong sẽ tiến hành chi trả ngay”, ông Lâm Hải Giang nói.
Trao đổi thêm với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh – cho biết, địa phương đang chờ Thanh tra huyện báo cáo và đề xuất hướng xử lý, sau khi cơ quan này tiến hành thanh tra việc sử dụng kinh phí của các trường liên quan đến tình trạng chậm chi trả chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023 cho các giáo viên.
“Công tác thanh tra mất rất nhiều thời gian, nên chúng tôi đang tính toán phương án chi trả trước tiền chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp cho các giáo viên. Sau khi có kết luận thanh tra, phát hiện có vi phạm hay không vi phạm thì sẽ xử lý sau. Địa phương sẽ cố gắng giải quyết tiền chế độ cho các giáo viên trong tháng 6 này”, ông Việt nói.
Bị nợ chế độ 1 ngày, giáo viên sẽ khó khăn thêm 1 ngày
Nhiều tháng qua, tập thể thầy cô giáo tại Trường Canh Thuận liên tiếp gửi đơn đến UBND huyện Vân Canh và các cơ quan, đơn vị của huyện này, đề nghị xem xét giải quyết chi trả chế độ dạy tăng tiết của năm học 2022-2023.
Theo kiến nghị của các giáo viên, năm học 2022-2023, Ban Giám hiệu Trường Canh Thuận đã phân công cho các giáo viên giảng dạy tăng tiết, để bù cho những giáo viên về hưu, nghỉ dạy và chuyển công tác khác… Tổng số tiền tăng giờ trong năm học này là gần 315 triệu đồng.
Và sau nhiều lần đưa đơn “đòi quyền lợi”, đến nay, tập thể giáo viên này vẫn chưa nhận được số tiền mà họ cất công đi dạy “tăng ca” trong suốt một năm học qua.
Theo tìm hiểu của PV, trong tập thể 16 thầy cô giáo này, có không ít giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, họ chỉ biết trông chờ vào đồng lương hàng tháng, tiền chế độ trong công tác giảng dạy để nuôi sống gia đình. Vì vậy, việc chậm chi trả tiền “mồ hôi, công sức” thêm ngày nào, giáo viên sẽ khó khăn, vất vả thêm ngày đấy.