Các nhà khoa học khảo sát Tháp đôi Liễu Cốc. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Sau khi phát quang và mở rộng hố khai quật ở độ sâu từ 102-215 cm, kết cấu của di tích đã lộ diện, tìm thấy nhiều mảnh gốm men Việt Nam có niên đại từ thời Trần, Lê Sơ, Mạc…; đồ sứ Trung Quốc thời Minh – Thanh; đầu tượng Phật, mảnh bia đá, bình vôi và gốm Chăm niên đại từ thế kỷ IX-XII…
Đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, đặc biệt có 3 chiếc bình vôi Champa, niên đại khoảng thế kỷ IX-XI còn tương đối nguyên vẹn.
Một số hiện vật được tìm thấy trong đợt khảo cổ tại Tháp đôi Liễu Cốc. (Ảnh: Anh Tuấn)
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên Huế, kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc cho thấy những nhận thức mới về di tích, cũng như lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Cùng với đó là giải pháp để phát huy, bảo tồn giá trị di tích.
“Trên cơ sở những phát hiện và nhận thức mới về Tháp đôi Liễu Cốc, địa phương có thể phát huy tốt các giá trị của di tích, biến nơi đây thành điểm tham quan, thu hút du khách”, TS Phan Thanh Hải nói.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, cần nghiên cứu thiết kế nhà mái che cho hai công trình kiến trúc tháp chính, sử dụng nhà tiền chế, với mái vòm cao, xung quanh có hệ thống cột, nóng bó và đường đi quanh tháp. Đồng thời có thể sử dụng công nghệ hiện đại để giúp khách tham quan hình dung được công trình kiến trúc tháp hoàn chỉnh.
Thừa Thiên Huế là địa phương còn bảo lưu nhiều di tích, di vật, lễ hội, phong tục có giá trị độc đáo, liên quan đến di sản văn hóa Champa. Qua thống kê, Thừa Thiên Huế có 44 di tích, công trình liên quan đến văn hóa Champa, trong số đó có 17 đền, tháp; ba thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… cùng 251 hiện vật được kiểm kê, lập hồ sơ.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế 11 km về phía Bắc, Tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng.