Kết hôn là bước ngoặt lớn của cuộc đời nên mỗi người đều khá cẩn trọng trong việc tìm kiếm bạn đời. Tất nhiên sẽ chẳng có ai hoàn hảo, mỗi người sẽ có những tiêu chí riêng khi chọn bạn đời. Và dù chọn lựa thế nào thì khi chung sống cũng bất ngờ trước những sự khác biệt. Hôn nhân cũng dạy mỗi chúng ta nên tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt của nhau.
Vậy chọn bạn đời như thế nào, cần tiêu chí gì – đây là câu hỏi “đau đầu” của nhiều người. Như cô gái ẩn danh, tạm gọi là M. mới đây đã khiến nhiều người đồng cảm. Không ít chị em phụ nữ thoáng thấy bóng hình của mình trong câu chuyện của M..
Nỗi khổ khi chồng không có chí tiến thủ….
M. chia sẻ trong nhóm “Vén khéo”, cô chỉ được chồng đưa từ 2 – 4 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống. Nhà cô có 2 vợ chồng, 2 con nhỏ: 1 bé lớp 2 và 1 bé 4 tháng. Ngoài ra, chồng M. sẽ đóng tiền điện nước khoảng 800.000 – 900.000 VNĐ/tháng, và đóng tiền dịch vụ chung cư theo quý.
Cô cũng buồn phiền rằng bản thân đang trong thời gian cho con bú nhưng chồng luôn kêu than vợ hoang phí, trong khi cô chỉ chi 60.000 VNĐ/ngày.
M. cũng chia sẻ thêm, chồng cô là người hiền lành, không rượu chè, cờ bạc nhưng lười biếng, không giúp đỡ vợ việc nhà. Chồng M. thích sống an nhàn, không có mục tiêu cuộc sống và không có chí tiến thủ. Chính vì điều này nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, cuộc sống luôn “thiếu trước hụt sau”.
Hiện M. cực kỳ stress vì nuôi 2 con tốn kém vì sống ở TP. Hà Nội. Dù co kéo tối đa thì sinh hoạt phí cũng khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi chồng chỉ đưa 2 – 4 triệu đồng. Cô định đợi khi con 1 tuổi rồi gửi con để đi làm kiếm tiền. Cô chán chồng, mệt mỏi mà không dám nói với bố mẹ, nhiều khi thấy bản thân đang gồng mình lo cho gia đình. M. đã lấy quỹ dự phòng ra để trang trải cuộc sống gia đình và nhờ mẹ đẻ hỗ trợ kinh tế phần nào.
Câu chuyện của M. khiến CĐM không biết đưa ra lời khuyên “vén khéo” như thế nào cho phù hợp bởi với mức chi tiêu cho 4 người không thể dưới 10 triệu đồng/tháng, trong khi anh chồng chỉ đưa vỏn vẹn 2 – 4 triệu đồng.
Nhiều người bày tỏ đồng cảm với M.:
– Đưa tiền cho chồng tự chi tiêu đi chợ. Chồng lười không làm thì giả bạn hãy giả vờ đau ốm để bắt buộc chồng phải lo liệu mọi thứ, xem lúc đó chồng còn chê bạn tiêu hoang không.
– Cuộc sống của bạn thật áp lực kinh tế. Cố gắng đợi con lớn rồi bạn đi làm để cải thiện kinh tế bạn nhé.
Khi vợ là trụ cột kinh tế…
Có nhiều người vợ có hoàn cảnh khá giống chị M., họ chỉ biết ngậm ngùi, chán nản khi chồng không cầu tiến. Chẳng hạn như câu chuyện chị H. sống ở TP. HCM. Chị dành mức lương từ 15 – 17 triệu đồng để lo học phí cho 2 con và sinh hoạt phí. Ngoài ra, mỗi năm chị vợ chi ra 10 triệu đồng để bố mẹ chồng chi tiêu sắm Tết. Hiện tại, chị cũng tích góp được khoản tiền riêng 700 – 800 triệu đồng để dành mua đất cho con.
Bố mẹ chồng chị H. cũng có lương hưu khoảng 10 triệu đồng, có 2 căn phòng trọ cho thuê tầm 6 – 7 triệu đồng/ tháng. Do đó, 2 vợ chồng không phải lo chi tiêu tiền điện nước, sinh hoạt, chợ búa vì đã có bố mẹ chồng hỗ trợ.
Tuy nhiên, kết hôn được 6 năm, với lý do không hợp ra ngoài kiếm tiền, chồng chị không chịu đi làm, mọi gánh nặng tài chính trong gia đình đổ dồn vào vợ. Thậm chí, mẹ chồng còn phải cắt lương hưu chu cấp con trai 3 triệu đồng/ tháng để ăn sáng, hút thuốc lá,…
Theo đó, chị H. chia sẻ: “Chồng mình công việc gì cũng chê, muốn làm chủ nhưng không có vốn, không có bằng cấp. Sau khi sinh con đầu lòng, chồng đề nghị ở nhà chăm lo con cái vì con còn nhỏ không muốn giao cho ông bà. Tuy nhiên, chồng mình ở nhà lâu dần thành thói quen, giờ bé đầu cũng 5 tuổi, bé nhỏ đã 3 tuổi nhưng chồng vẫn ở nhà đàn hát, đánh cờ tướng,…
Vì chuyện này mà 1 – 2 năm trước hai vợ chồng mình cãi nhau rất nhiều, cũng có lần mình đòi ly dị nhưng không nỡ vì con còn nhỏ và được ông bà nội khuyên can. Thỉnh thoảng mình cũng cho chồng mượn tiền tiêu xài, nhưng hầu như không lấy lại được. Sau khi có 2 con, phải chi tiêu nhiều quá nên mình không cho chồng mượn nữa.
Con còn nhỏ thì mình kham nổi, sau con lớn hơn, phải lo tiền học hành nhiều, mình sợ gồng không nổi. Mình có khuyên chồng đi làm để kiếm tiền cùng lo cho con, nhưng anh cứ nói cho qua chuyện. Cứ cãi nhau mãi lại khiến ông bà buồn, nên sau đó mình cũng không nhắc tới nữa, mình kệ, ra sao thì ra, tới đâu hay tới đó”.