Chiếm quốc lộ, tỉnh lộ tuốt lúa, phơi thóc
Đến hẹn lại lên, vào mùa gặt ở Thanh Hóa, tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường để phơi thóc, lúa, nông sản lại tái diễn. Phơi trong đường làng, đường liên thôn bị che khuất bóng cây, thóc khô không đều, nhiều gia đình mang ra đường lớn, thậm chí chở hàng tấn thóc ra phơi trên quốc lộ.
Rơm, rạ, các loại nông sản cũng đua nhau rải trên mặt đường. Có gia đình còn dựng lán, cắt cử người trông coi phòng trời mưa. Các dụng cụ như cào, bàn gạt, bạt, thúng mủng, quang gánh, gạch đá, thậm chí cả những đoạn tre, luồng được tận dụng để làm hàng rào chắn, chiếm chỗ để phơi thóc, lúa trên đường.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên các tuyến quốc lộ: 45, 47, 217 và tỉnh lộ qua các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hà Trung… tình trạng người dân phơi lúa ven đường rất phổ biến. Lúa sau khi được tuốt sẽ mang ra đường phơi. Người dân có nơi dùng cả đá, gạch, gậy, cây để che chắn không cho xe đi vào phần lúa phơi của mình. Việc này khiến đường bị thu hẹp lại.
Chị Lê Thị H (54 tuổi, ở huyện Thọ Xuân) cho biết: “Đất ngày xưa rộng rãi, nhiều chỗ phơi phóng, nhưng giờ không còn nhiều. Biết phơi ở ngoài đường là không đúng, nhưng bà con chẳng còn cách nào khác”.
Tại nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, đường nhỏ trong khu dân cư, những chiếc máy tuốt lúa chắn ngang đường vào mùa gặt là hình ảnh không hiếm gặp. Phương tiện di chuyển qua rất khó khăn, phải chờ đợi, gây ức chế.
Thậm chí, máy bánh xích (máy gặt), máy cày bừa bánh lồng sắt (dùng cải tạo đất sau gặt) cũng chạy nhan nhản trên đường gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia giao thông và gây hư hỏng mặt đường.
Không dễ để xử lý
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết, không riêng ở Thanh Hóa mà nhiều nơi trên cả nước đều xảy ra tình trạng này. Năm nào Ban ATGT tỉnh cũng đều có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
Cũng theo ông Linh, qua theo dõi, ở một số nơi đã xảy ra trường hợp xe máy phóng nhanh, rẽ gấp khi đi vào vị trí phơi thóc lúa, bánh trơn trượt dẫn đến TNGT nghiêm trọng gây chết người. Hay trường hợp rơm rạ phơi ngoài đường quấn vào gầm xe ô tô dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản.
Trước mỗi mùa vụ, các huyện đều phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Thế nhưng. “Về giải pháp, tới đây cần quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng. Bởi khi có hạ tầng, bà con rất tiện để phơi lúa, đưa máy chuyên dụng đến và không ảnh hưởng đến việc đi lại trên các tuyến đường”, ông Linh chia sẻ.
Trung tá Trang Công Đông, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, đơn vị yêu cầu các đội, trạm CSGT tăng cường việc tuần tra kiểm soát trên tuyến, kết hợp tuyên truyền người dân không được sử dụng mặt đường quốc lộ để làm sân phơi.
“Dù vậy, khi thấy lực lượng chức năng rời đi họ lại tranh thủ phơi. Riêng với các phương tiện chuyên dụng, chỉ đi đoạn ngắn để rẽ vào đường làng nên rất khó xử lý kịp thời”, Trung tá Đông cho hay.
Theo quy định, hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; Đặt máy tuốt lúa trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 – 400.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoảng 14h ngày 19/9/2023, trên tuyến quốc lộ 45, đoạn qua thôn Thổ Trung thuộc xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa xảy ra vụ TNGT liên quan đến việc phơi lúa trên đường.
Thời điểm trên, em L.P.C và em V.T.N (cùng 15 tuổi, học lớp 10, trường THPT Nông Cống 2) đi xe đạp điện lưu thông trên quốc lộ 45. Khi đi đến đoạn đường nói trên thì bị ngã do va vào đống lúa của người dân phơi bên đường.
Sau cú ngã, 2 nữ sinh bị chiếc xe máy phía sau lao tới tông bị thương, được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nữ sinh L.P.C tử vong sau đó.