Cô P.T.N – giáo viên phản ánh bị nợ tiền dạy tăng tiết tại Trường Canh Thuận. Ảnh: Hoài LuânTrao đổi thêm với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh – cho biết, qua họp bàn, huyện đã thống nhất cho Thanh tra huyện vào cuộc kiểm tra kinh phí sử dụng của các trường liên quan đến tình trạng chậm chi trả chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023 cho các giáo viên.
“Từ đó sẽ làm rõ nguyên nhân do đâu, do cấp thiếu kinh phí hay cấp đủ mà chi sai mục đích, dẫn đến không có tiền chi trả chế độ cho giáo viên, qua đó sẽ đề xuất hướng xử lý. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này sớm nhất”, ông Việt nói.
Bị nợ chế độ 1 ngày, giáo viên sẽ khó khăn thêm 1 ngày
Nhiều tháng qua, tập thể thầy cô giáo tại Trường Canh Thuận liên tiếp gửi đơn đến UBND huyện Vân Canh và các cơ quan, đơn vị của huyện này, đề nghị xem xét giải quyết chi trả chế độ dạy tăng tiết của năm học 2022-2023.
Theo kiến nghị của các giáo viên, năm học 2022-2023, Ban Giám hiệu Trường Canh Thuận đã phân công cho các giáo viên giảng dạy tăng tiết, để bù cho những giáo viên về hưu, nghỉ dạy và chuyển công tác khác… Tổng số tiền tăng giờ trong năm học này là gần 315 triệu đồng.
Và sau nhiều lần đưa đơn “đòi quyền lợi”, đến nay, tập thể giáo viên này vẫn chưa nhận được số tiền mà họ cất công đi dạy “tăng ca” trong suốt một năm học qua.
Theo tìm hiểu của PV, trong tập thể 16 thầy cô giáo này, có không ít giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, họ chỉ biết trông chờ vào đồng lương hàng tháng, tiền chế độ trong công tác giảng dạy để nuôi sống gia đình. Vì vậy, việc chậm chi trả tiền “mồ hôi, công sức” thêm ngày nào, giáo viên sẽ khó khăn, vất vả thêm ngày đấy.