Khám tại bệnh viện ở Cần Thơ được chẩn đoán ung thư đại tràng, bà Thanh quyết định đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM dù bác sĩ địa phương khẳng định “có thể điều trị được”.
“Các con tôi không yên tâm để mẹ chữa bệnh ở Cần Thơ, mặc dù lên Sài Gòn tốn kém đủ thứ”, người phụ nữ 62 tuổi nói. Chồng bà đi cùng vợ, phụ xách hai ba lô đựng quần áo cùng hồ sơ giấy tờ, lo các thủ tục khám bệnh. Ông bà bắt chuyến xe khởi hành từ Cần Thơ lúc 0h ngày 10/6, đến bến xe miền Tây tại TP HCM khoảng 3h lại tiếp tục đón xe buýt vào Bệnh viện Ung bướu ở TP Thủ Đức để kịp xếp hàng, bốc số chờ khám.
Lần này bà Thanh tái phát ung thư và tiếp tục đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM chữa nên có kinh nghiệm. Hai năm trước bà được phát hiện bệnh, đã phẫu thuật và hóa trị hơn 10 toa thuốc. Những đợt xét nghiệm, chụp chiếu nhiều, không khám xong trong ngày, bà phải thuê nhà trọ cạnh bệnh viện ngủ lại với giá 100.000 đồng mỗi đêm. Say xe, mệt mỏi vì di chuyển xa, chờ đợi nhiều, bà cho biết “tốn thời gian, tiền bạc nhưng yên tâm, đến tận đây rồi dù kết quả thế nào cũng đỡ lo lắng, hối tiếc”.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM là cơ sở tuyến cuối khám chữa bệnh về ung thư tại TP HCM cũng như khu vực phía Nam. Bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.700-4.800 lượt bệnh nhân mỗi ngày, tăng khoảng 8-10% so với vài năm trước.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc phụ trách điều hành bệnh viện, cho biết hiện 84% bệnh nhân tại đây là người từ các tỉnh đến, tỷ lệ này vài năm trước là 75%. Trong khi đó số bệnh nhân cư ngụ tại TP HCM đến khám không biến động nhiều, khoảng 700-750 người một ngày. Như vậy, số bệnh nhân tăng nhiều là từ các tỉnh đến điều trị, như bà Thanh ở trên. Còn bệnh nhân tại TP HCM hiện có nhiều lựa chọn nơi điều trị do mạng lưới y tế thành phố khá phát triển và nhiều bệnh viện có chuyên khoa ung thư.
Trước đây bệnh viện ung bướu ở cơ sở cũ (cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh) vốn đã rất đông bệnh nhân. Từ khi bệnh viện xây cơ sở 2 khang trang, hiện đại ở TP Thủ Đức – vận hành chính thức sau dịch Covid – bệnh nhân nhiều hơn. Nhiều người được bác sĩ hẹn điều trị tại cơ sở 1 cũng mong muốn được sang cơ sở 2 dù phải di chuyển xa hơn rất nhiều.
“Hầu hết bệnh nhân ở tỉnh đến viện vì tin tưởng chất lượng điều trị của đội ngũ y bác sĩ tuyến cuối”, bác sĩ Tuấn lý giải. Như chị Minh, 42 tuổi, ở Gia Lai, bị ung thư vú nhưng không muốn điều trị ở bệnh viện gần nhà. Hơn 3 năm qua, chị là khách quen trên những chuyến xe đường dài giữa Gia Lai và TP HCM để định kỳ đến bệnh viện Ung bướu.
“Tôi đến đây vì tin vào bác sĩ tuyến cuối”, chị nói, thêm rằng 3 tháng một lần chị đến viện tái khám, sau khi hoàn thành phác đồ điều trị gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Hôm 10/6, để có mặt bệnh viện lúc 4h30, chị phải khởi hành từ Gia Lai vào 18h30 hôm trước. Lần này tái khám, chị trải qua tất cả khâu xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán để bác sĩ đánh giá lại tình trạng sức khỏe. Vừa di chuyển giữa các phòng khám, chị vừa kéo theo chiếc va li màu nâu để “nếu lỡ phải nhập viện thì đã sẵn hành lý”.
Còn anh Minh ở An Giang thì “cam chịu” chữa ở Ung bướu TP HCM do bệnh quá khả năng điều trị tại bệnh viện địa phương. “Tôi được bệnh viện ở An Giang chuyển lên Sài Gòn, xa xôi vất vả quá nhưng bệnh thì phải đành chịu”, anh chia sẻ. An Giang cách TP HCM hơn 230 km, đi ôtô mất gần 5 giờ chưa kể thời gian di chuyển đến bệnh viện.