Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bình Định dôi dư 81 cán bộ.
Ngày 12/6, HĐND tỉnh Bình Định tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề), nhiệm kỳ 2021-2026.
Kỳ họp đã thông qua 15 Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 – 2025; Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 – 2025.
Nghị quyết về quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ An ninh trật tự (ANTT); tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định…
Trong đó, với Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Định có 6 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 5 phường, 1 xã) thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính.
Cụ thể, sáp nhập các phường Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Trần Phú (TP Quy Nhơn) thành đơn vị hành chính mới, có tên gọi là phường Trần Phú. Phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn) được nhập vào phường Thị Nại thành phường mới, lấy tên là phường Thị Nại. Toàn bộ diện tích, dân số của xã Hoài Hải nhập vào phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn.
Sau khi sắp xếp, tỉnh Bình Định có 154 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 115 xã, 28 phường, 11 thị trấn; giảm 5 đơn vị so với trước khi sắp xếp.
Theo phương án, sau khi sắp xếp còn 81 trường hợp trong đó có 67 cán bộ, công chức chưa được bố trí khi sắp xếp.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ, băn khoăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là việc sắp xếp số cán bộ, công chức của các địa phương khi sáp nhập. Quan điểm của tỉnh là cố gắng sắp xếp ở mức tối ưu nhất.
“Hiện, có 81 trường hợp chưa thể sắp xếp được, trong đó có 67 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Quan điểm của tỉnh là cố gắng sắp xếp ở mức tối ưu nhất. Đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách không còn cách nào khác thì phải giải quyết đầy đủ chế độ; còn số cán bộ, công chức trong biên chế, bằng mọi cách sẽ điều động, bố trí, sắp xếp vào các đơn vị, kể cả các vị trí ở cấp tỉnh và các địa phương lân cận trong tỉnh”, ông Hồ Quốc Dũng cho hay.
Với các Nghị quyết được thông qua, ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách được ban hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Đối với Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Chính phủ theo quy định; đồng thời sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung triển khai tốt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và các nội dung khác liên quan, đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả…