Bé gái đang chơi trước sân nhà thì bị đàn vò vẽ bay ra từ tổ ong trên cây đốt khoảng 52 vết. Người nhà phát hiện, liền đưa bé đến bệnh viện địa phương trong tình trạng lơ mơ.
Bé gái được cấp cứu và điều trị hồi sức liên tục 2 tuần do bị ong đốt nhiều vết trên cơ thể. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh nhi là bé N.T.T.Th. (11 tuổi, ngụ Cần Đước, Long An), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mê, tím tái, thở co kéo 46 lần/phút, mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, vàng da vàng mắt, tiểu ít màu xá xị.
Vết ong đốt rải rác khắp người bé có khoảng 52 mũi, có vài nốt đốt bị hoại tử trung tâm, sưng bầm tím xung quanh (đầu có 10 đốt, tay phải có 21 dốt, tay trái có 2 đốt , 2 chân có 19 đốt).
Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có biểu hiện toan hóa máu, tổn thương thận, gan, tán huyết. Bệnh nhi được chẩn đoán phản vệ độ III do ong vò vẽ đốt giờ thứ 3, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan.
Bác sĩ lập tức xử trí đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc phản vệ theo phác đồ, kháng sinh, vitamin K1, hội chẩn ê kíp lọc máu, tiến hành lọc máu cho trẻ.
Kết quả sau gần 2 tuần điều trị, qua 3 đợt lọc máu liên tục, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở, chức năng gan thận trở về bình thường, tỉnh táo, tiểu khá.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo đến phụ huynh cẩn thận trong mùa hè, trẻ được nghỉ hè, được vui vẻ đi chơi, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do ngã và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong.
Phụ huynh nên kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn. Khi đi cấm trại trong rừng hay vườn cây cần lưu ý tránh mặc những quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm dễ thu đàn ong đến tấn công.
Bên cạnh đó, mùa hè cũng là thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm vào mùa và lây lan nhanh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt, cúm, thủy đậu… Do đó, bên cạnh tiêm chủng các mũi vaccine theo lịch và độ tuổi của trẻ, phụ huynh nên lưu ý một số khuyến cáo dưới đây:
– Hạn chế cho trẻ ra ngoài giữa trưa nắng; trang bị các phương tiện bảo hộ (như găng tay, mũ, áo khoác), để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
– Trời nắng nóng, cơ thể mất nhiều nước, mọi người cũng nên bổ sung thêm nước. Ngoài ra, mọi người có thể mua thêm chất điện giải như oresol để bù nước, bù khoáng cho cơ thể.
– Phụ huynh nên nhớ lịch tiêm của con và cho bé đi tiêm ngừa đúng lịch.
– Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, trời nắng nóng cũng tạo điều kiện cho các bệnh về rối loạn tiêu hóa phát triển. Cha mẹ nên chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dạy trẻ ăn chín, uống sôi và rửa tay sạch trước khi chạm vào thức ăn.