Nhiều quận tại TP.HCM đã tạm ngưng bổ nhiệm, tuyển dụng thêm cán bộ, công chức để chuẩn bị phương án bố trí nhân sự khi sáp nhập phường.
Dự kiến tại kỳ họp giữa tháng 7.2024, HĐND TP.HCM sẽ xem xét, thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 trên địa bàn TP. Theo phương án sắp xếp đã được Bộ Nội vụ thống nhất, TP.HCM sẽ không thay đổi về số lượng quận, huyện mà chỉ sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận).
Đến nay, UBND TP.HCM đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri 80 phường thuộc diện sáp nhập. Theo đó, có 877.674/961.533 cử tri đồng ý với chủ trương sắp xếp, chiếm tỷ lệ hơn 91%. Các ý kiến khác tập trung nêu khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ sau sáp nhập, đồng thời đề nghị chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ sau khi sắp xếp. Bên cạnh đó, người dân đề xuất việc đặt tên phường mới nên có chọn lọc để ít tác động nhất; sắp xếp trụ sở, bố trí cán bộ kịp thời để thuận tiện khi làm thủ tục hành chính; tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường tại phường mới khi dân số tăng.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết dự kiến sẽ có 450 cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập 80 phường để thành lập 38 phường mới. So với giai đoạn 2019 – 2021, công tác sắp xếp phường lần này phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. “Sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư là câu chuyện khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều”, ông Hưng nói, đồng thời cho biết TP.HCM đã chuẩn bị giải pháp phù hợp, đúng quy định và chia sẻ với tâm tư, lo lắng của đội ngũ ở cơ sở.
Theo đó, hiện Sở Nội vụ phối hợp, hướng dẫn 10 quận nói trên rà soát cụ thể số lượng cán bộ, công chức dôi dư để xây dựng phương án sắp xếp đảm bảo khoa học, có lộ trình, đề xuất chế độ, chính sách nhằm sớm ổn định lực lượng. Trước đó, TP.HCM đã thống nhất không giao bổ sung biên chế năm 2024 theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (QH) nhằm ổn định bộ máy, tránh làm phát sinh số lượng cán bộ, công chức.
Tương tự, đối với trụ sở, Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính và 10 quận xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, hoàn thành trong thời hạn 3 năm kể từ ngày đề án được Ủy ban Thường vụ QH thông qua.
Về giấy tờ, Sở Nội vụ tham mưu UBND TP.HCM hướng dẫn 10 quận và các phường sau sắp xếp chuyển đổi, cập nhật thông tin cho người dân, tổ chức. Các cơ quan làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ phải tạo điều kiện thuận lợi và không được thu phí, lệ phí.
Các quận chuẩn bị những gì ?
Giai đoạn 2019 – 2021, khi TP.HCM tiến hành sáp nhập 19 phường và 3 quận (2, 9, Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức) đã nảy sinh một số bất cập kéo dài đến nay, nhất là trong việc bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức và trụ sở dôi dư.